Ad Code

Responsive Advertisement

Giải pháp đưa lao động đi Nhật Bản

Vĩnh Phúc là tỉnh có nguồn lao động lớn với khoảng trên 600.000 người. Hàng năm số người bước vào độ tuổi lao động tăng và cần giải quyết việc làm cho trên 20.000 lao động. Cùng với nhiều ngành, nghề khác thì hoạt động xuất khẩu lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là một kênh giải quyết việc làm có ý nghĩa quan trọng, chiến lược không chỉ góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế mà còn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Ngoài các thị trường truyền thống: Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia thì hiện nay, thị trường Nhật Bản đang hứa hẹn nhiều tiềm năng.


Nhu cầu lao động tại Nhật Bản tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực: Cơ khí, may mặc, điện tử, nông nghiệp, chế biến thủy sản. Thu nhập bình quân của mỗi lao động từ 30 - 32 triệu đồng/người/tháng. Vì thế, Nhật Bản đang là địa chỉ hấp dẫn đối với lao động Việt Nam nói chung và Vĩnh Phúc nói riêng. Mặc dù cánh cửa tuyển lao động của Nhật Bản hiện đang rộng mở, nhưng để người lao động tiếp cận được không đơn giản bởi những yêu cầu gắt gao của thị trường này.




Giờ học tiếng Nhật tại Trung tâm giới thiệu việc làm thanh niên tỉnh

Trong khi người lao động đi Đài Loan hoặc Hàn Quốc… chỉ cần biết tiếng đủ để giao tiếp là được thì để "chinh phục" thị trường khó tính Nhật Bản, người lao động phải nắm vững về chuyên môn, tay nghề cũng như giao tiếp thành thạo, tác phong phải nhanh nhẹn, ý thức chấp hành kỷ luật tốt. Để đào tạo được một người lao động sang Nhật Bản làm việc phải mất từ ít nhất từ 7 – 9 tháng rồi lại tiến hành thi sát hạch mới đủ điều kiện xuất khẩu. Mặt khác, kinh phí đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản cao trong khi khoản tiền được vay vốn qua ngân hàng chính sách xã hội thấp là một trong những rào cản lớn đối với người lao động.


Trung tâm giới thiệu việc làm thanh niên thuộc Tỉnh đoàn Vĩnh Phúc là đơn vị rất tích cực trong hoạt động phối hợp đưa lao động đi làm việc ở Nhật Bản. Nhằm khắc phục những khó khăn trên, Trung tâm đã phối hợp với Công ty xuất khẩu lao động tư vấn, tuyển chọn và đào tạo ngoại ngữ và giáo dục định hướng cho thực tập sinh, du học sinh đi làm việc và học tập tại Nhật Bản. Trung tâm tổ chức các đoàn triển khai công tác xuất khẩu lao động tại 9 huyện, thành, thị trong tỉnh để tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ của tỉnh và trực tiếp tuyển thanh niên đi xuất khẩu lao động. Trung tâm đã mạnh dạn thực hiện cam kết không đặt cọc chống trốn bằng trách nhiệm và hợp tác giữa bốn bên giữa Trung tâm, Ngân hàng, Văn phòng luật sư và xác nhận của địa phương xã, phường nơi người lao động cư trú. Đây là đơn vị tiên phong trong cả nước thực hiện theo hình thức này. Trung tâm cũng là đơn vị liên kết xuất khẩu lao động với mức chi phí thấp chỉ bằng 1 nửa so với các đơn vị khác, tức là giảm từ 80-100 triệu đồng/lần đi; cho vay 100% chi phí xuất, nhập cảnh thông qua ngân hàng. Hiện tại Trung tâm đang có 70 thực tập sinh, du học sinh học tiếng tại Trung tâm. Họ được ăn, ở tại Trung tâm và được học tiếng Nhật, tìm hiểu nền văn hóa Nhật Bản, cách giao tiếp của người Nhật…Trải qua những kỳ thi sát hạch nghiêm túc hàng tháng, để đến thời gian quy định, người lao động nào đủ tiêu chuẩn sẽ được xuất cảnh.


Ông Đỗ Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm thanh niên cho biết: “Nhờ những giải pháp tích cực đó mà số lượng lao động đi Nhật Bản trên địa bàn tỉnh liên tục tăng. Nếu như năm 2005, số lao động sang thị trường Nhật Bản chỉ có 21 người thì đến năm 2012 là 60 người. Tính riêng từ đầu năm đến nay, tổng số lao động được tuyển chọn đào tạo học ngoại ngữ và giáo dục định hướng đi Nhật Bản là 156 lao động, trong đó có 70 người đã xuất cảnh theo hình thức thực tập sinh. Từ thực tế trên cho thấy, số lao động đi xuất khẩu tại thị trường Nhật Bản đang có chiều hướng tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Chúng tôi phấn đấu từ nay đến cuối năm sẽ đào tạo được 120-150 lao động trúng tuyển đi Nhật và đến năm 2014, sẽ giới thiệu trên 500 lao động đi lao động xuất khẩu sang nước ngoài, trong đó, 70% là lao động Nhật Bản".


nguồn: Vinhphuc.gov.vn
Reactions

Post a Comment

0 Comments