Ad Code

Responsive Advertisement

Làng xuất khẩu lao động giàu nhất Hà Tĩnh

Có thể nói Hà Tĩnh là một trong những tỉnh có số lượng người đi xuất khẩu lao động cao nhất, và cũng có số lượng gia đình tỷ phú khá cao nhờ xuất ngoại


15 năm, làng chài ven biển Cương Gián (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã khiến nhiều người phải kinh ngạc với sự chuyển mình ấn tượng. Từ một làng chài xơ xác, giờ đây mỗi năm Cương Gián thu về không dưới 50 tỷ đồng với hàng chục gia đình được xếp vào hàng tỷ phú.


Tâm huyết của người “gieo tư tưởng xấu cho dân”


Ông Bùi Tùng Phong, nguyên Chủ tịch huyện, nay là Giám đốc Sở Thủy sản Hà Tĩnh, được người dân nơi đây nhắc đến như là một người biết nhìn xa trông rộng, khi kiên quyết ủng hộ con em xã Cương Gián đi lao động ở nước ngoài.


Bản thân ông Phong cũng thừa nhận, câu chuyện làm giàu từ đi lao động nước ngoài tự phát của một số người dân Cương Gián làm ông mê tít. “Khi tôi nghe họ kể đúng là một hướng đi hay. Cương Gián vốn là làng chài, người dân sẵn có tài đi biển đánh cá, khi sang nước bạn có thể vào cuộc ngay. Thu nhập bên ấy thấp cũng gấp mấy chục lần ở nhà”, ông Phong vui sướng kể lại.


Chính ông Phong đã hết mực khuyến khích người dân Cương Gián đi xuất khẩu lao động dù lúc ấy không ít người ngăn cản. “Có người bảo tôi gieo tư tưởng xấu cho dân. Một khi đi xuất ngọai người dân sẽ mang đủ thứ của ngọai về, từ bệnh tật đến lối sống. Nhưng tôi thì nghĩ khác, vì miếng cơm mà người dân sẽ giữ được mình” - ông Phong lý giải quan điểm của mình.


Giờ thì người dân Cương Gián biết ông đã đúng. Bởi giờ đây, làng chài Cương Gián đã thực hiện một cú nhảy về kinh tế ngoạn mục.





Làng chài thu gần... 60 tỷ đồng/năm


Một cán bộ xã Cương Gián cho biết, toàn xã có gần 13.000 dân thì đã có 6.000 lượt người xuất ngoại. Xấp xỉ 100% trong số 2.700 hộ dân đều có con em đi xuất khẩu lao động. Năm 2007, con em gửi về cho người thân gần... 60 tỷ đồng. Từ những hộ nông dân chân đất, hàng chục gia đình tại Cương gián đã vươn lên tầm tỷ phú, đại gia.


Ông cán bộ xã dẫn chúng tôi đi trên con đường rải nhựa với những dãy tường gạch kín như một khu phố thu nhỏ, đến ngôi nhà của ông Hoàng Đức Thanh, “ông vua” xuất khẩu lao động, cũng là một tỷ phú của đất Cương Gián. Sự giàu có của gia đình ông Thanh được thể hiện ngay từ ngôi nhà cao tầng sang trọng cùng phần lớn nội thất sang trọng trong nhà.


Ông Thanh kể, gia đình ông trước nghèo lắm, cả mấy cha con sống nhờ vào nghề đi biển. Được mùa thì sống, không thì vay mượn đủ bề. Sau khi được lãnh đạo huyện “bật đèn xanh”, ông đã bắt mối với một “đường dây” xuất khẩu lao động tại TP Hồ Chí Minh, cho người con trai thứ “mở màn”.


Nối tiếp là người con trai cả Hoàng Văn Tinh và cô con dâu Trương Thị Mai. “Người đi trước kéo người đi sau, cho đến lúc cao điểm, cách đây độ 3 năm, gia đình tui có đến 23 người con, cháu cùng đi lao động Nhật Bản , làm ăn ở Hàn Quốc và châu Âu”, ông Thanh tuyên bố một con số giật mình.


Người có thâm niên và thành đạt nhất nhà ông là người con trai cả Hoàng Văn Tinh. Ngày đi, anh Tinh vay mượn, “cắm” nhà lo được 12 triệu đồng chi phí xuất ngoại. Sau hơn 10 năm lam lũ ở Hàn Quốc, Tinh đã trở thành một tỷ phú với nhiều bất động sản tại TP Vinh. Những người con khác của ông Thanh cũng đã lần lượt xây nhà lầu, mua bán bất động sản, mở cửa hàng kinh doanh.


Nhưng ở mảnh đất Cương Gián này, giàu dạng như gia đình ông Thanh cũng không quá hiếm. Có gia đình cùng lúc có cả 4-5 người con đi lao động nước ngoài, tiền lương mỗi người không dưới 15 triệu đồng/tháng. Cũng vì vậy mà ở Cương Gián lưu truyền những câu chuyện đến khó tin như hàng xóm vay nhau mấy trăm triệu bạc dễ như mua rau; dân tứ xứ sợ “đụng hàng” dân Cương Gián mỗi khi chen chân đi xuất khẩu; quỹ tín dụng nhân dân có số vốn gửi tiết kiệm lên đến 18 tỷ đồng...


Ông Thanh cho hay, gần như ở đất Cương Gián, gia đình nào muốn cho con em đi lao động ở nước ngoài cũng không sợ thiếu tiền. Các gia đình có thể hỗ trợ nhau bằng tình cảm, bằng lãi suất thấp, họ có thể dễ dàng huy động được vài ba trăm triệu đồng trong một ngày.


15 năm kể từ khi người dân neo thuyền đi xuất khẩu lao động, làng chài Cương Gián đã trở thành một đô thị của huyện Nghi Xuân. Nhà cao tầng mọc lên san sát nhau; cửa hàng, tiệm ăn, dịch vụ giải trí có mặt khắp mọi nẻo đường. Nhiều người ở xứ Nghệ gọi làng chài này như một con tàu đã vươn xa…


nguồn: Dân Trí









Reactions

Post a Comment

0 Comments