Ad Code

Responsive Advertisement

Báo động xuất khẩu lao động "chui" ở Điện Biên

Báo động xuất khẩu lao động "chui" ở Điện Biên

Xuất khẩu lao động (XKLĐ) là cơ hội làm giàu cho người dân nông thôn, nhất là người dân ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh Điện Biên có tình trạng XKLĐ thật thì ít, nhưng XKLĐ "chui" lại nhiều. 

Báo động xuất khẩu lao động "chui" ở Điện Biên
                            Lao động chính đi XKLĐ “chui”, để người già, trẻ nhỏ bơ vơ ở nhà.
Trao đổi về tình hình XKLĐ trên địa bàn trong mấy năm gần đây, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng phòng XKLĐ, Sở Lao động, Thương binh & Xã hội Điện Biên cho biết: Từ năm 2011 đến tháng 6/2015, toàn tỉnh chỉ có 312 người xuất cảnh đi lao động tại nước ngoài, đạt gần 30% kế hoạch. Toàn tỉnh phấn đấu năm 2015 có 70/100 lao động đi XKLĐ. Tuy nhiên, con số trên rất khó thực hiện được.
Thị trường XKLĐ của Điện Biên chủ yếu là Malaysia, Hàn Quốc. Mới đây, Công ty Cổ phần Xây dựng và Nhân lực Việt Nam đã làm thủ tục tuyển dụng khoảng 20 lao động đi làm việc tại CHDCND Lào. Mặc dù, các cơ quan chức năng của tỉnh Điện Biên đã quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người lao động nông thôn Điện Biên đi XKLĐ nhưng họ lại không mặn mà cho lắm.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Điện Biên là tỉnh có nhiều dân tộc thiểu số, mỗi dân tộc có phong tục tập quán riêng, trình độ dân trí không đồng đều. Điểm chung nhất là khi đã lập gia đình, tâm lý của người con trai không muốn xa vợ con, xa nhà, đồng thời còn có tính trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Thực tế, nguyên nhân chính là do nhiều người trong độ tuổi lao động ở vùng nông thôn trình độ văn hóa, tay nghề thấp, ý thức kỷ luật lao động chưa cao, ra nước ngoài làm việc lại bất đồng ngôn ngữ. Ngoài ra, trong thời gian đang làm việc ở nước ngoài, người lao động gặp vướng mắc, khó khăn nhưng đơn vị tuyển dụng XKLĐ không kịp thời giải quyết nên gây ảnh hưởng trực tiếp đến tư tưởng của người đăng ký tham gia XKLĐ.

Theo số liệu do Phòng XKLĐ tỉnh Điện Biên cung cấp, năm 2014, tỉnh có gần 900 người đi XKLĐ “chui”, 6 tháng đầu năm 2015 tăng lên 1.817 lượt người. Phần lớn đối tượng XKLĐ “chui” là sang Trung Quốc và Lào. Đây là con số qua báo cáo từ các huyện với Sở Lao động, Thương binh & Xã hội. Trên thực tế, số người vượt biên trái phép sang Trung Quốc và Lào làm việc trên địa bàn tỉnh Điện Biên còn nhiều hơn. Số người này đi tự do, hoặc theo đường dây mối lái của các nhóm đối tượng. Đường dây XKLĐ “chui” tổ chức đưa "nhân viên" đến tận các bản vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc, đời sống kinh tế khó khăn, dân trí thấp như huyện Mường Nhé, Nậm Pồ, Điện Biên Đông, Mường Ẳng... để mối lái. 

Chiêu lừa của đường dây XKLĐ chui là đưa ra những lời hứa hẹn "đường mật" như: Làm việc không vất vả, thu nhập cao, lương một tháng bằng cả năm ở nhà đi làm nương... Đánh trúng tâm lý của người lao động nghèo, đang thiếu việc làm, khiến tình trạng XKLĐ “chui” ở Điện Biên ngày càng gia tăng, phức tạp, gây xáo trộn đời sống của đồng bào, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn.

Vượt chặng đường gần 200km từ TP Điện Biên Phủ, chúng tôi đến huyện Nậm Pồ. Đây là huyện mới được chia tách từ huyện Mường Nhé. Phần lớn dân số Nậm Pồ là người dân tộc Mông, kinh tế chậm phát triển, tỷ lệ hộ nghèo cao. Trên đường đi, nhìn những ngôi nhà lụp xụp, xiêu vẹo, hoang vắng ở các bản của xã Nậm Tin, Nậm Nhừ, Nà Bủng, Pá Tần, Phìn Hồ, hiện rõ cái nghèo, cái khổ của đồng bào Mông nơi đây.

Từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng huyện Nậm Pồ đã phát hiện trên 600 trường hợp vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê. Trong số đó có 2 trưởng bản, 3 công an viên và 65 trẻ em. Tại xã Nậm Tin, từ năm 2012 đến tháng 7/2015 có gần 336 người vượt biên sang Trung Quốc, đã có hơn 60 người trở về. Bản Nậm Tin 3 có 47 hộ, gần 300 khẩu thì có tới 13 hộ, hơn 30 khẩu vượt biên sang Trung Quốc làm thuê. Một số hộ ở bản Nậm Tin 2, bố còn kéo cả con gái vượt biên sang Trung Quốc lao động.

Một người mới từ Trung Quốc trở về cho biết, công việc làm thuê chủ yếu bên đó là làm nương, phụ xây, làm gạch... rất cực nhọc. Là lao động xuất cảnh trái phép nên thường xuyên bị nhà chức trách xua đuổi, nhà chủ đe dọa không trả tiền công. Hiểm họa luôn rình rập người xuất cảnh trái phép.
Nhằm ngăn chặn tình trạng XKLĐ “chui” sang Trung Quốc làm thuê, tỉnh Điện Biên đã có nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND các huyện tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật về xuất, nhập cảnh và XKLĐ, hiểu rõ thủ đoạn, hậu quả của việc xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động, làm thuê. Lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng tăng cường kiểm tra, tuần tra kiểm soát trên tuyến biên giới, ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng đưa người vượt biên trái phép.

Mới đây, lực lượng chức năng Công an tỉnh Điện Biên đã triệt phá 6 đường dây tổ chức đưa người trốn sang Trung Quốc, khởi tố 5 vụ án về tội "tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép", bắt tạm giam 6 đối tượng. Từ năm 2014 đến khi bị bắt (3/2015), nhóm đối tượng trên đã tổ chức đưa khoảng 800 người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê. Số người trên chủ yếu ở các huyện Nậm Pồ, Mường Ẳng, Tuần Giáo.

Từ thực tế trên cho thấy, nhu cầu việc làm, thu nhập của người dân ở các vùng nông thôn Điện Biên là rất lớn, bức thiết. Song, do nhận thức của người dân còn hạn chế về lợi ích thiết thực, lâu dài của chủ trương XKLĐ, mà chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt nên dẫn đến tình trạng XKLĐ thật thì ít, XKLĐ “chui” thì nhiều.

theo báo Thanh Tra

 

Reactions

Post a Comment

0 Comments