Ad Code

Responsive Advertisement

Xuất khẩu lao động sang Angola: Giấc mơ đổi đời

Xuất khẩu lao động sang Angola : Những ngày qua, tin dữ anh Phan Văn Sơn bị tử vong tại Angola khiến không khí u ám, nặng nề bao trùm xóm đạo vốn thanh bình, yên ả.

Phía sau những cái chết thương tâm ở đất nước Angola xa xôi là nỗi đau tột cùng của người ở lại...

Trong khi cộng đồng người Việt ở Angola cũng như đồng bào trong nước chưa hết bàng hoàng trước những hành vi lừa đảo xuất khẩu lao động (XKLĐ) sang làm gái mại dâm Angola, rồi những cái chết đột ngột của anh Nguyễn Đức Cao và anh Nguyễn Công Nguyên đều ở Nghệ An, thi thể đã được đưa về quê nhà mai táng vào đầu tháng 4, thì mới đây, cũng trên địa bàn tỉnh Nghệ An lại có thêm những cái chết thương tâm khác. Đó là anh Phan Văn Sơn (SN 1973, trú tại xóm Phúc Long, xã Hưng Tây, Hưng Nguyên), anh Trần Nam Tuấn (42 tuổi) trú phường Lê Lợi (TP Vinh) và anh Hồ Cảnh Sơn (45 tuổi) ở xã Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu).
Phía sau những cái chết thương tâm ấy có biết bao hệ lụy. Về “điểm nóng”, xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, mới thấy được phần nào của thực trạng này.

Nỗi đau chồng chất nỗi đau
Những ngày qua, tin dữ anh Phan Văn Sơn bị tử vong tại Angola khiến không khí u ám, nặng nề bao trùm xóm đạo vốn thanh bình, yên ả.
Xuất khẩu lao động sang Angola: Giấc mơ đổi đời
                                 Gia cảnh anh Phan Văn Sơn
Trong căn nhà tuềnh toàng nghi ngút hương khói của người xấu số ở thôn Phúc Long, sau những đau đớn tột cùng, sự im ắng, lặng lẽ khiến không khí càng thêm tang thương. Trên chiếc giường ọp ẹp, cơ thể chị Nguyễn Thị Mai, vợ anh Phan Văn Sơn gần như khô quắt, bất động.
Xót xa nhìn em, Nguyễn Thị Xuân, chị gái chị Mai nói trong nước mắt: “Bữa nghe tin chồng mất, dì Xuân hoàn toàn suy sụp, cả tuần qua, có ăn chi mô, chỉ uống tí sữa. Nhà tôi sốt ruột quá mới truyền cho chai nước. Bây giờ dì ấy không biết chi cả, chỉ nằm rứa thôi”.
Theo thông tin của Đại sứ quán Việt Nam tại Angola, hiện có khoảng 40.000 người Việt đang sinh sống và làm việc ở Angola, tập trung chủ yếu tại thủ đô Luanda. Trong đó, chiếm một tỷ lệ không nhỏ là lao động chui, sang Angola bằng visa du lịch có thời hạn 3 tháng, sau đó tìm cách chạy chọt để chuyển thành visa lao động và lao động hết hạn cư trú bất hợp pháp. Hầu hết lao động đều phải đi qua các đường dây môi giới với chi phí bình quân 6.500 USD/người.

Cũng theo thông tin của Đại sứ quán Việt Nam tại Angola, dù các cơ quan chức năng của Angola không nắm được số lượng chính xác, song cũng khẳng định rất nhiều lao động Việt Nam đang làm việc trái phép, nhất là trong lĩnh vực xây dựng. Angola không cho phép người nước ngoài vào bằng visa du lịch rồi chuyển đổi sang visa lao động.Nghe người lớn nói chuyện, cháu Phan Thị Linh, 10 tuổi, con gái đầu của anh chị nức nở: “Bố cháu chỉ đi làm kiếm tiền nuôi các cháu thôi mà... sao bố cháu lại chết? Các bác, các cô đưa bố về với cháu, cháu muốn được nhìn bố”.Lời con trẻ khiến lòng ai nấy đều quặn thắt, mắt những người phụ nữ ở xóm đạo lại thêm 1 lần đỏ hoe. Nhìn cảnh nhà chị Mai họ cũng nóng lòng như ngồi trên đống lửa. Không lo sao được khi mà chỉ tính riêng thôn Phúc Long cũng có tới 40-50 người đang làm việc tại Angola.

Đáp lại lời lay gọi của người thân, phản xạ duy nhất của chị Mai là nấc lên mấy tiếng rồi lại ngất lịm. Chị Xuân cho biết, em gái mình kết hôn với anh Phan Văn Sơn năm 2002 và sinh được 2 cháu gái. Hai bên gia đình đều khó khăn, chẳng giúp đỡ được gì nên anh chị rất chịu khó làm lụng, thế nhưng lúc nào cũng ở diện cận nghèo. 

Năm 2011, thấy bà con thôn xóm ùn ùn đi XKLĐ sang đất nước Angola xa xôi với lời cam kết chắc như đinh đóng cột của một người tên Sứ chuyên chạy XKLĐ sang Angola ở xã kế bên, anh quyết định thế chấp sổ đỏ, vay mượn khắp nơi. “Chú ấy vay ngân hàng 140 triệu đồng, vay thêm anh em 40 triệu, đi 26/12/2011. Sang đó được 3 ngày thì báo về là làm việc cho 1 chủ thầu ở Hà Tĩnh. Lương tháng 1000 USD, nhưng sang đó thì bị ốm”, chị Xuân kể.
Sau 1 năm ở vùng khí hậu vô cùng khắc nghiệt, nhiều người bị ốm đau, tử vong, đầu năm nay anh Sơn quyết định chuyển đổi nơi làm việc. Tuy nhiên, khi công việc mới ổn định thì ngày 12/4, gia đình nhận được hung tin anh bị đột tử. 

Nỗi đau mất người thân đã quá lớn lại càng trở nên bế tắc khi số tiền để chuyển xác anh Sơn về nước lên tới 700 triệu đồng. Là hàng xóm tối lửa tắt đèn, nhìn gia cảnh chị Mai lúc này, chị Trương Thị Hải không cầm được nước mắt: “Gia đình chị Mai khó khăn lắm. Chồng gửi tiền về chị ấy tằn tiện, không dám tiêu 1 đồng, chỉ để dành trả nợ. Là hàng xóm, thương chị ấy lắm, nhưng cũng cảnh khó khăn chẳng biết giúp bằng cách chi. Chỉ cầu mong sao mọi người hỗ trợ để đưa xác anh ấy về càng sớm càng tốt. Nhưng họ nói phải 2 tháng mới đưa được xác về, số tiền khoảng 700 triệu đồng”.

Hoang mang xóm đạo
Ôm rịt cậu con trai trong lòng như tìm kiếm 1 điểm tựa, chị Nguyễn Thị Quý cho biết, chồng chị, anh Hồ Văn Cường cũng đi Angola được hơn 1 năm nay theo đường dây của 1 người tên Hoa ở xã Thượng Lộc với số tiền 143 triệu đồng. Không như những gì họ cam kết, sang đó sẽ có việc làm ổn định, thu nhập cao nhưng khi đặt chân lên đất bạn, anh hoàn toàn bị bỏ rơi và không có việc làm.
Lang thang một thời gian, được sự trợ giúp của cộng đồng người Việt, anh cũng tìm được việc với thu nhập 700-800 USD/tháng. Dẫu số tiền anh Công gửi về mới trả được 1/3 tiền vay ngân hàng nhưng khi liên tục mắt thấy tai nghe những chuyện dữ từ Angola truyền về, chị Quý chỉ có 1 mong muốn: “Nghe tin anh Sơn, tôi như ngồi trên đống lửa, không ăn ngủ được. Tôi chỉ mong anh về, về làm lụng trả sau cũng được nhưng anh bảo về nhà không biết làm chi cho vợ con, lại ôm nợ nên anh không về. Do nhận thức kém, thấy người ta nói ngon nói ngọt chỉ biết tin tưởng, vay mượn để đi. Chừ biết là dại, là lỡ rồi. Trời cho sống ngày mô biết ngày đó”.
Ở Phúc Long, nhà nào ít thì 1, nhà nào nhiều thì có tới vài người đi Angola. Như chị Dương Thị Hải, dẫu không có chồng con đi Angola nhưng trong họ hàng cũng có tới 6 người cháu, họ hàng đang làm việc ở nước này. Người đi càng nhiều thì nỗi lo như càng nhân lên trong các câu chuyện của những người phụ nữ ở thôn. 

Bà Nguyễn Thị Liên hiện có 2 người con trai đang làm việc tại Angola, mới nhất là cậu út đi chưa được 1 tháng. Không biết hiệu quả kinh tế tới đâu nhưng theo bà Liên, đến thời điểm này gia đình bà vẫn còn nợ nần nhiều lắm. Lo cho an nguy của con, nhưng khi nghĩ đến khoản tiền 30 triệu đồng phải gửi sang cho con mua vé máy bay bà lại ngơ ngác. Đành tặc lưỡi phó thác cho may rủi...
Không chỉ thôn Phúc Long mà ở hầu hết các thôn xóm của Hưng Tây đều có người đang làm việc tại Angola, thậm chí có những thôn, số người đi chui xuất khẩu lao động sang thị trường này lên tới vài trăm người. 
Ông Trần Văn Hiển, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Tây lo lắng “Khối xóm Hưng Thịnh có gần 300 lao động đang làm việc tại Angola, các xóm khác 10-20 người. Có những người đi mất nhiều tiền, trung bình là 150 triệu đồng, song chính quyền cũng không nắm được, vì chỉ cần hộ chiếu du lịch là họ đi được, có khi họ không cần vay vốn mà ông chủ, người thân đảm bảo, đi làm rồi trả sau. Tuy họ mang lại lợi ích kinh tế khá lớn nhưng không ai bảo đảm an toàn tính mạng, rủi ro rất nhiều”.
Hàng ngày, tiếp nhận những luồng thông tin dữ từ đất nước Angola xa xôi, xóm đạo ấy đã không còn yên ả nữa. Bên tháp chuông nhà thờ bóng đổ, những người mẹ, những người vợ, những đứa con đang ngày đêm trông ngóng sự trở về, sự đoàn tụ./.
 
Nghệ An và Hà Tĩnh là 2 địa phương có số lượng lao động đi làm việc chui tại Angola lớn nhất cả nước. Theo nguồn tin của PV VOV, ít nhất có khoảng 6000 lao động ở 2 địa phương này. Đành rằng đi xuất khẩu lao động chui là bất hợp pháp, nằm ngoài vòng bảo hộ của luật pháp, của các cơ quan chức năng, thế nhưng trước những hậu quả mà chúng ta đều nhìn thấy, đâu là giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn dòng chảy lao động sang đất nước này, trước sự an nguy của người lao động thì trách nhiệm thuộc về ai?

Sau nhiều cái chết liên tiếp của lao động Nghệ An tại Angola, mới đây, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An đã có công văn gửi Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội các huyện, thành, thị yêu cầu kiểm tra, thống kê, báo cáo số lượng lao động đi làm việc tại Angola.
Bên cạnh đó, Sở cũng có công văn yêu cầu các địa phương thực hiện đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, nhằm ngăn chặn tình trạng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Angola bất hợp pháp, gây thiệt hại về nhiều mặt cho người lao động.

Lê Hằng/VOV2

 

Reactions

Post a Comment

0 Comments